Tôn Ngộ Không là nhân vật ai cũng biết và luôn tò mò về 72 phép thần thông của Tề Thiên Đại Thánh – Tôn Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không được sinh ra từ tảng đá trên đỉnh Hoa Quả Sơn tại Đông Thắng Thần Châu. Tảng đá hấp thụ linh khí của trời đất qua hàng vạn năm. Sau khi được sinh ra Tôn Ngộ Không tìm thầy học đạo và tìm đến đạo quán của Bồ Đề tổ sư.
Khi được thầy cho lựa chọn giữa 36 phép Thiên Can và 72 phép Địa Sát, tính tình vốn ham vui thích nhiều Tôn Ngộ Không chọn ngay 72 phép Địa Sát vì nó nhiều hơn 36 phép Thiên Can.
- Đại Lực: Thuật pháp này giúp cho cơ thể sẽ trở nên cực kỳ khỏe và có sức mạnh hơn người. Nhờ có thuật pháp này mà Tôn Ngộ Không có thể dễ dàng nhấc bổng và sử dụng được cây thiết bảng nặng 13,500 kg.
- Thấu Thạch: Giúp người luyện có thể đi xuyên qua đá.
- Sinh Quang: Hai mắt có thể phát ra một luồng sáng cực mạnh.
- Chướng Phục: Thuật luyện nội đan.
- Đạo Dẫn: Có khả năng chỉ đường dẫn lối một cách chuẩn xác. Ở Sài Gòn mà có thuật này thì không sợ lạc đường.
- Phục Thực: Người luyện thuật pháp này có thể nuốt bất kỳ vật gì vào bụng mà không hề bị tổn hại.
- Tá Phong: Thuật pháp này giúp Tôn Ngộ Không có thể tận dụng sức mạnh của gió.
- Bố Vụ: Khi nào muốn cho nơi nào đó có mây có thể vận dụng thuật pháp này.
- Kỳ Tình: Tuy không quản được nắng mưa nhưng nhờ có thuật pháp này mà Tôn Ngộ Không có thể khiến trời đang mưa chuyển sang nắng.
- Đảo Vũ: Ngoài cầu nắng thì Tôn Ngộ Không còn được học thuật pháp cầu mưa.Thuật này được Tôn Ngộ Không dùng khi đấu pháp với Tam yêu tại nước Ô Kê.
- Tọa Hỏa: Tôn Ngộ Không bình thường chẳng bao giờ sợ lửa là nhờ có thuật pháp này. Tuy nhiên, đối với lửa ở không gian khác, ví dụ như “Tam muội chân hỏa” của Hồng Hài Nhi, thì thuật pháp này không phát huy tác dụng.
- Nhập Thủy: Nhờ có thuật pháp này mà Tôn Ngộ Không có thể dễ dàng đi xuống biển sâu. Lần dùng thuật đầu tiên là xuống Đông Hải Long Cung để tìm binh khí.
- Yểm Nhật: Đôi khi ánh mặt trời chưa hẳn đã tốt, thế nên Tôn Ngộ Không cũng có những lúc cần dùng đến thuật pháp che đi mặt trời này.
- Ngự Phong: Thuật pháp này giúp cho Tôn Ngộ Không có thể di chuyển bằng cách cưỡi gió cưỡi mây.
- Chử Thạch: Thuật pháp giúp luyện chế tiên đan.
- Thổ Diệm: Thuật pháp giúp phun ra lửa. Lửa này là lửa thường chứ không phải Tam muội chân hỏa như của Hồng Hài Nhi.
- Thông U: Người thường không phải muốn xuống địa ngục là xuống, muốn trở về lại trần thế gần như là việc không tưởng. Nhưng nhờ có thuật này mà Tôn Ngộ Không có thể đi lại giữa địa ngục và dương gian một cách dễ dàng.
- Khu Thần: Thuật pháp giúp Tôn Ngộ Không có thể dễ dàng qua mặt thần linh.
- Đảm Sơn: Thuật pháp “gánh núi” này giúp cho Tôn Ngộ Không dù bị đè dưới núi 500 năm mà không chết.
- Cấm Thủy: Có thể di chuyển dễ dàng trong nước là nhờ có phép thần thông này. Tuy nhiên, xét về phương diện chiến đấu dưới nước thì không nên so sánh Tôn Ngộ Không với Sa Tăngvà Trư Bát Giới.
- Thôn Đao: Có thể nuốt đao vào bụng mà cơ thể không bị tổn thương.
- Hồ Thiên: Có thể biến đồ vật thành to hay nhỏ theo ý thích.
- Thần Hành: Linh hồn có thể tạm thời rời khỏi thể xác và tự do di chuyển.
- Lý Thủy: Thuật pháp này khiến cho Tôn Ngộ Không dễ dàng đi lại trên mặt nước.
- Định Thân: Giống như một phép điểm huyệt, sẽ khiến cho một người hay vật nào đó không thể nhúc nhích được.
- Trảm Yêu: Pháp thuật này giúp cho Tôn Ngộ Không tiêu diệt một số yêu quái không có thân thể thực.
- Thỉnh Tiên: Tuy là dùng để mời thần tiên tới, nhưng không phải ai cũng có thể dùng được thuật pháp này.Bởi nó còn phụ thuộc vào tâm tính và tầng thứ của người tu luyện. Tuy nhiên với oai danh “đại náo thiên cung” của mình, mỗi lần triệu thỉnh đa số thần tiên đều hiện ra giúp đỡ.
- Truy Hồn: Không phải nhờ “hỏa nhãn kim tinh”, mà nhờ có thuật pháp này nên Tôn Ngộ Không mới dễ dàng nhìn thấy hồn phách của người khác.
- Trượng Giải: Tôn Ngộ Không có thể vứt bỏ thân thể để “tiên thăng”, chạy trốn trong một số trường hợp.
- Phân Thân: Mỗi lần cần đến sự trợ giúp của các bản sao, Tôn Ngộ Không chỉ cần bứt một ít lông trên người rồi thổi ra một cái là rất nhiều “Tôn Ngộ Không” khác lập tức xuất hiện.
- Ẩn Hình: Trong một số trường hợp không muốn bị người khác nhìn thấy, Tôn Ngộ Không có thể dùng thuật pháp này để tàng hình.
- Tục Đầu: Nhiều kẻ ngu ngốc tỏ ra rất hả hê khi chém được đầu của Tôn Ngộ Không. Nhưng chúng không thể ngờ khi thấy một cái đầu mới lại tiếp tục xuất hiện. “Tục đầu” chính là thuật pháp giúp Tôn Ngộ Không có thể nối thêm đầu, và không chỉ nối một lần mà là rất nhiều lần.
- Nhiếp Phách: Tôn Ngộ Không dùng thuật pháp này để truy đuổi và triệt tiêu tận gốc những kẻ địch nguy hiểm.
- Chiêu Vân: Thuật pháp giúp cho Tôn Ngộ Không có thể vẫy gọi mây.
- Thủ Nguyệt: Chỉ cần giơ tay ra là có thể lấy được mặt trăng.
- Ban Vận: Thuật pháp này sẽ giúp di chuyển đồ vật theo ý nghĩ của người sử dụng.
- Giá Mộng: Thuật pháp này sẽ khiến đối phương chìm vào cơn ác mộng. Từ đó Tôn Ngộ Không có thể tiêu diệt đối phương về mặt tinh thần.
- Chi Ly: Các bộ phận trên cơ thể tuy bị đứt rời nhưng không gặp phải bất kỳ vấn đề gì. Cũng chính vì thế mà Tôn Ngộ Không bị chém mãi không chết.
- Ký Trượng: Hiểu nôm na là “gửi gậy”. Thuật pháp này giúp cho người dùng có thể “ký gửi” nỗi đau lên thân thể người khác.
- Xạ Phúc: Phép nhìn xuyên thấu có thể nhìn thấy đồ vật để trong hòm kín dù không mở hộp.
- Thổ Hành: Phép độn thổ, khiến cho người dùng có thể đi lại trong lòng đất.
- Tinh Số: Tôn Ngộ Không có thể nhìn thấy trước vận mệnh thông qua việc ngắm các vì sao trên bầu trời.
- Bố Trận: Trong “3 lần đáng Bạch Cốt Tinh”, Tôn Ngộ Không đã vẽ một vòng tròn xung quanh Đường Tăng khiến cho yêu quái không thể lại gần. Đây chính là thuật pháp ngăn cách và xua đuổi yêu quái khỏi giới hạn được đặt ra.
- Giả Hình: Thuật biến hóa thân thể thành nhiều người khác nhau. Phép thuật mà Tôn Ngộ Không hay dùng nhất và đã đạt đến đỉnh cao.
- Tri Thì: Luôn biết rõ thời gian hiện tại, giống như lúc nào cũng mang đồng hồ theo người.
- Thức Địa: Luôn biết rõ các địa điểm, giống như lúc nào cũng mang theo bản đồ.
- Tị Cốc: Thuật pháp này sẽ giúp hấp thụ linh khí của trời đất để tẩm bổ cho cơ thể. Nên đôi khi Tôn Ngộ Không không cần ăn cũng chẳng cần uống.
- Yểm Đảo: Tấn công kẻ địch bằng những cơn ác mộng.
- Phún Hóa: Dùng phép thuật khiến cho vạn vật biến hóa theo ý muốn.
- Chỉ Hóa: Chỉ cần dùng ngón tay chỉ vào vật nào là có thể khiến vật đó biến hình.
- Thi Giải: Các đạo sĩ đắc đạo có thể khiến thân thể biến mất trong nháy mắt mà không để lại dấu vết.
- Di Cảnh: Thuật ngụy trang, hay còn được coi là tạo ảo giác.
- Đoạn Lưu: Thuật có thể cắt đứt dòng chảy của sông nước. Nhiều lần giúp Đường Tăng qua sông một cách dễ dàng.
- Nhương Tai: Dùng pháp thuật để đẩy lùi tai ương trước mắt.
- Giải Ách: Dùng trong những lúc nguy cấp, giúp thoát khỏi khó khăn, nguy hiểm đang gặp phải.
- Hoàng Bạch: Có khả năng biến đá thành vàng.
- Kiếm Thuật: Có thể sử dụng kiếm thuật một cách thành thạo.
- Chiêu Lai: Có thể dễ dàng điều khiển vật nào đó đang ở xa bay tới gần.
- Nhĩ Khứ: Thuật pháp này sẽ khiến cho đồ vật quay trở lại theo ý muốn.
- Tụ Thú: Có thể khiến cho các loại dã thú đều nghe theo mệnh lệnh.
- Điều Cầm: Có thể thuần hóa các loài chim muông.
- Khí Cấm: Có thể không cần hít thở không khí mà vẫn sống được.
- Khai Bích:Có thể đi xuyên tường.
- Dược Nham: Tôn Ngộ Không có thể nhảy rất cao, rất xa là nhờ có thuật pháp này.
- Manh Đầu: Tôn Ngộ Không có khả năng mọc thêm đầu mới.
- Đăng Sao: Lấy được đồ vật trong nháy mắt.
- Hát Thủy: Có thể uống bao nhiêu nước tùy thích, bụng giống như không đáy.
- Ngọa Tuyết: Có thể nằm rất lâu trong tuyết mà không sợ bị lạnh hay chết cóng.
- Bạo Nhật: Có thể phơi mình dưới ánh mặt trời rất lâu mà không sợ bị tổn hại.
- Lộng Hoàn: Nhờ có thuật này mà Tôn Ngộ Không có thể bắt mạch, kê đơn thuốc trị bệnh.
- Phù Thủy: Tôn Ngộ Không có thể vẽ bùa, đốt bùa trong nước. Khi uống vào có thể trị được bệnh.
- Y Dược: Có thể chế ra thuốc và thậm chí là giải phẫu.
>>Xem thêm: 5 bí ẩn cổ đại Trung Hoa.