Văn hoá cổ đại của Trung Quốc vô cùng đặc sắc, phong phú. Trung Hoa từ lâu đã được thế giới biết đến như một đất nước có nhiều bậc kỳ tài đi vào sử sách, nhiều mĩ nhân thiên cổ, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà Trung Quốc còn là đất nước có nền văn hóa lâu đời nhất và phong phú nhất.
Hán phục (汉服)
Hán phục bao gồm y phục và trang sức, là yếu tố văn hoá cổ đại vô cùng đặc sắc của dân tộc Hán, Trung Hoa. Từ thời nhà Hán, trang phục của người Trung Quốc đã phát triển đa dạng về phong cách cũng như kỹ thuật dệt tinh xảo, đặc biệt là trên lụa, có kết hợp các yếu tố tích cực từ các nền văn hóa bên ngoài như Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.
Ngày nay, chúng ta không những có thể chiêm ngưỡng những bộ Hán phục lộng lẫy trong các bộ phim cổ trang, mà chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp trên đường phố Trung Quốc những bạn trẻ khoác trên mình bộ Hán phục. Ở Trung Quốc, có bộ phận đông đảo các bạn trẻ đam mê, đầu tư mua những bộ Hán phục, mặc dù giá của những bộ này không hề rẻ chút nào.
Kinh kịch (京剧)
Nhắc đến Trung Hoa, chúng ta không thể không nhắc đến Kinh kịch. Kinh kịch (京剧) hay còn được gọi là kinh hí (京戏), là một thể loại ca kịch điển hình của Trung Quốc. Vào thời nhà Thanh, dưới thời vua Càn Long, Kinh kịch đã hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh. Nó là kết quả của sự pha trộn giữa Huy kịch với Hán kịch. Hình thức biểu diễn chủ yếu của Kinh kịch là “ hát, nói, múa, đấu võ,” để thuật lại các cốt truyện và khắc họa tính cách nhân vật. Cốt truyện chủ yếu của Kinh kịch chủ yếu thuật lại những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những sự kiện, câu truyện kinh điển.
Một trong những nét đặc sắc khác của Kinh kịch đó là trang phục và nghệ thuật trang điểm mặt cho diễn viên với những màu sắc nổi bật theo tích cách nhân vật ( nhân vật phản diện- chính diện, già- trẻ,vv…)
Côn kịch(昆曲)
Côn kịch có tên gốc là “Côn sơ khang”, được gọi tắt là Côn khúc. Nó là điệu hát trong hí khúc, bắt nguồn từ tỉnh Giang Tô, Côn Sơn, Trung Quốc vào thời nhà Nguyên, đến nay đã có hơn 650 năm lịch sử.
Cũng như Kinh kịch, Côn khúc cũng có hệ thống và phong cách biểu diễn độc đáo, đặc trưng lớn nhất của nó là chất trữ tình mạnh mẽ, chuyển động tinh tế, sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa giữa ca hát và vũ đạo. Côn kịch là nét văn hoá cổ đại rất đặc sắc.
Đạo đức kinh (道德经)
Đạo Đức Kinh là quyển sách do vị triết gia Trung Quốc – Lão Tử viết vào khoảng năm 600 TCN Theo truyền thuyết thì Lão Tử vì chán chường thế sự nên quyết định ra đi ở ẩn. Ông Doãn Hỷ khi còn đang làm quan giữ ải Hàm Cốc đã níu ông lại nói “nếu ngài quyết ẩn cư thì khẩn cầu ngài vì tôi để lại một bộ sách!”. Vậy là Lão Tử phải đồng ý ở lại và viết ra bộ “Đạo Đức Kinh” tặng Doãn Hỷ. Lão Tử dặn ông tu theo những gì trong sách thì sẽ đắc đạo. Chính vì do Lão Tử viết ra, nên Đạo Đức Kinh còn được gọi là sách Lão Tử.
Có thể nói Đạo Đức Kinh là bộ sách triết học hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa và Đạo Đức Kinh cũng chính là nguồn gốc quan trọng của các tư tưởng triết học của Đạo gia. Ba tác phẩm “Luận Ngữ” , “Đạo Đức Kinh” và “Kinh Dịch” được xưng danh là ba bộ có ảnh hưởng sâu nhất đến tư tưởng của Trung Hoa, là nét văn hoá cổ đại tiêu biểu.
Hội hoạ Trung hoa (中国画)
Hội hoạ Trung Hoa còn được gọi là “Trung Quốc Họa”, gọi tắt là “Quốc Họa”, là hình thức hội họa truyền thống của dân tộc Hán. Tranh “ Quốc Hoạ” được vẽ bằng bút lông, dùng mực đen hoặc màu vẽ chuyên biệt rồi vẽ lên lụa hoặc giấy. Trong các bức tranh cũng thường được đề thêm một bài thơ cổ.
Kỹ nghệ chế tác đồ sứ (中国瓷器)
Trung Quốc là quê hương của đồ gốm sứ, được mệnh danh là “Đất nước của đồ sứ”. Từ thời xa xưa, sản xuất đồ gốm đã vô cùng phát triển, và qua các thời đại thì đồ gốm sứ được chế tác ngày một tinh tế và mang những đặc trưng riêng.
Sau đó, kỹ thuật chế tác đồ sứ của Trung Hoa cũng được lan truyền ra các nước, góp phần quảng bá rộng rãi văn hóa Trung Hoa ra thế giới. Một trong những dòng gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc đó là sứ Thanh Hoa (青花瓷).
Thư pháp (书法)
Thư pháp là một nghệ thuật độc đáo trong văn hoá cổ đại Trung Hoa. Hiểu theo nghĩa rộng, thư pháp đề cập đến quy tắc viết của các ký tự, trong đó cũng rất chú trọng đến cấu trúc và bố cục tổng thể để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Thư pháp Trung Quốc được hình thành từ rất sớm. Như chúng ta được biết, diễn biến của Hán tự bắt đầu từ “Chữ giáp cốt ” (thời nhà Ân), rồi đến “ chữ Kim ” ( thời nhà Chu), “chữ triện” ( thời nhà Tần), đến “ chữ lệ” ( thời nhà Hán), tới thời Đông Tấn đến thời nhà Đường là “Khải thư, hành thư, thảo thư”. Có thể thấy nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa luôn không ngừng phát triển và vẫn còn giữ được nét đẹp cho đến bây giờ.
Đàn cổ(古琴)
Đàn cổ ( cổ cầm) còn có rất nhiều những tên gọi khác như ngọc cầm, dao cầm, thất huyền cầm, là một trong những loại đàn cổ xưa nhất của Trung Hoa. Nó là loại nhạc khí rất thịnh hành từ thời Khổng Tử, có lịch sử hơn 3000 năm. Đàn cổ có âm vực rộng, âm sắc sâu và dư âm dài, có âm sắc rất riêng so với những loại nhạc cụ hiện đại khác, mang một nét “ rất Trung Hoa”.
Cờ vây (围棋)
Cờ vây có nguồn gốc từ Trung Quốc, do một trong “Ngũ đế” – “ Nghiêu đế” phát minh ra. Vào thời cổ đại Trung Quốc, cờ vây được gọi là ” Dịch”, có thể nói đây là ông tổ của các loại cờ, có lịch sử hơn 4000 năm. Đặc điểm của loại cờ này nhưng quân cờ đen và trắng luôn bao vây và công kích lẫn nhau nên nó mới được gọi là “cờ vây”.
Võ thuật Trung Hoa (中国武术)
Chắc hẳn chúng ta không còn xa lạ gì với những bộ môn võ thuật nổi tiếng xuất hiện trong các bộ phim Trung Quốc, như Thái cực quyền (太极拳), Tuý quyền(醉拳), Thiếu lâm tự(少林子), vv… Có thể nói Trung Quốc là một trong những cái nôi của võ thuật.
Câu đối (对联)
Câu đối, một trong những nét văn hóa cổ đại truyền thống của dân tộc Hán, là những câu đối được viết trên giấy, vải hoặc chạm khắc trên tre, gỗ, cột. gôn ngữ dùng trong câu đối ngắn gọn mà hàm ý sâu xa, tương phản tương xứng, phối hợp ăn khớp với nhau, số lượng chữ giống nhau, cấu trúc giống nhau, là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Trung Quốc.
Nghệ thuật cắt giấy (中国剪纸)
Nghệ thuật cắt giấy của Trung Quốc là một loại hình nghệ thuật dân gian sử dụng kéo hoặc dao khắc để cắt hoa văn trên giấy để trang trí. Ở Trung Quốc, nghề cắt giấy có cơ sở quần chúng rộng rãi, hòa nhập vào đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc, và là một phần quan trọng trong văn hoá dân gian.