Nếu là tín đồ của Phật giáo chắc chắn đây là bốn ngọn núi nổi tiếng mà bạn nên đến khi du lịch Trung Quốc. Bốn địa danh Ngũ Đài Sơn, Cửu Hoa Sơn, Phổ Đà Sơn, Nga Mi Sơn được mệnh danh là “tứ đại danh sơn Phật giáo” của Trung Hoa từ hàng ngàn năm trước. Tương truyền rằng mỗi ngọn núi chính là nơi ẩn tu, hiển linh cũng như là nơi thuyết pháp của bốn vị bồ tát: Văn Thù Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát.
Ngũ Đài Sơn nơi Văn Thù Bồ Tát hiển linh.
Ngũ Đài sơn (tiếng Trung: 五台山; bính âm: Wǔtái Shān), còn gọi là Thanh Lương sơn (清凉山). Ngọn núi này nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài, địa cấp thị Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Nằm trong danh sách bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Hoa.
Ngũ Đài sơn có tên gọi như vậy là do địa hình bất thường của nó. Do núi bao gồm 5 đỉnh thuôn tròn (Bắc, Nam, Đông, Tây, Trung). Nếu dịch theo nghĩa đen là ngọn núi có năm tầng bậc.
Ngũ Đài sơn có khí hậu lạnh rét, hay còn được gọi là “Thanh Lương sơn” nghĩa là ngọn núi có khí hậu trong lành và mát lạnh. Khu vực Ngũ Đài sơn về mùa hè các tầng mây xuống rất gần bề mặt, độ ẩm cao, thường có mưa nhiều.
Ngũ Đài sơn là nơi Văn Thù hiển thánh, truyền thuyết kể:
Một năm nọ nơi đây có tổ chức một bữa tiệc ăn chay lớn. Một phụ nữ hành khất dắt theo hai đứa con nhỏ và một con chó đói tới ăn xin. Bà xin được cho ba suất cơm, bà chưa cho là đủ, nói:
– Con chó cũng nên có phần.
Hòa thượng cho thêm một suất, người phụ nữ lại nói:
– Trong bụng tôi còn một đứa bé cũng nên có phần.
Vị hòa thượng nổi giận:
– Đứa bé còn chưa sinh ra cũng đòi phần ăn, thật không biết thế nào là đủ.
Người phụ nữ bèn đáp:
– Chúng sinh bình đẳng, thai nhi chẳng nhẽ không phải là người?
Nói rồi, người phụ nữ cắt tóc, bay lên trời, xuất hiện pháp tướng Bồ Tát. Còn hai đứa con hóa thành hai đồng tử, con chó biến thành sư tử xanh. Đến nay Ngũ Đài sơn còn có Phát tháp Văn Thù, tương truyền là nơi cất giữ tóc của Văn Thù Bồ Tát.
Nga Mi sơn đạo tràng của Phổ Hiền Bồ Tát.
Nga Mi sơn ( tiếng Trung: 峨眉山; bính âm: Éméi shān) còn được gọi là Đại Quang Minh sơn là một ngọn núi của Phật giáo Trung Hoa nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cao 3.099 mét .Về mặt hành chính, Nga Mi sơn nằm gần như hoàn toàn trong thành phố cấp huyện Nga Mi Sơn và một phần nhỏ thuộc Lạc Sơn.
Đỉnh cao nhất của Nga Mi sơn là đỉnh Vạn Phật của ngọn núi chính Kim Đỉnh, với độ cao 3.099 m, tại Nga Mi sơn có khoảng 26 ngôi chùa; miếu, trong đó có 8 ngôi chùa; miếu lớn là cơ bản nhất. Người ta cho rằng Nga Mi sơn chính là đạo tràng của Phổ Hiền bồ tát.
Khu vực Nga Mi sơn có nhiều sương mù, thiếu nắng, lượng mưa dồi dào. Từ độ cao 2.000 m trở lên băng tuyết bao phủ ước chừng khoảng 6 tháng mỗi năm, kéo dài từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau.
Bồ Tát Địa Tạng ẩn tu tại núi Cửu Hoa.
Cửu Hoa sơn nghĩa là dãy núi có 9 ngọn núi tựa như những đóa hoa nằm sát nhau. Cửu Hoa Sơn có vẻ đẹp thanh nhã nằm về phía Nam của phố Trì Châu, tỉnh An Huy. Tổng diện tích của khu phong cảnh ở núi Cửu Sơn là 120 km². Diện tích bảo vệ là 114 km2.
Địa Tạng Bồ Tát đầu thai làm hoàng tử nước Tân La (Triều Tiên ngày nay), tên là Kim Kiều Giác, xuất gia từ nhỏ. Vì nghe danh của ngài Huyền Trang nên quyết định đến Trung Quốc. Ngài lên Cửu Hoa sơn tu hành, sau đó xây chùa thu nạp nhiều tín đồ, biến Cửu Hoa Sơn thành một trong những ngọn núi Phật giáo cực thịnh đương thời.
>> Xem thêm: Vạn lý Trường Thành địa điểm du lịch không thể bỏ qua
>> Xem thêm: TỪ VỰNG TIẾNG TRUNG CHỦ ĐỀ PHẬT GIÁO
Năm 99 tuổi, bỗng nghe một tiếng gọi mơ hồ thì biết mình sắp chết liền gọi đệ tử đến dặn dò, rồi ngồi vào trong chum mà viên tịch. Ba năm sau, mở nắp chum ra để an táng, thấy da thịt vẫn còn nguyên, sắc diện như khi còn sống, khi nhấc ra thì các khớp xương dao động thành tiếng lách cách. Phật giáo bảo đó là Bồ Tát chuyển thế bèn đem thi thể đặt vào trong tháp, gọi tháp là Địa Tạng Nhục Thân tháp. Nhục Thân tháp còn gọi là Nhục Thân Bảo điện, tọa lạc tại đỉnh Thần Quang trên Cửu Hoa sơn. Ngày rằm và 30-7 âm lịch là ngày sinh và ngày đắc đạo của đức Địa Tạng. Các tín đồ Phật giáo lại đến triều kiến Nhục Thân tháp rất đông.
Phổ Đà sơn – đạo tràng của Quan Âm Bồ Tát.
Phổ Đà Sơn tên cũ là Tiểu Bạch Hoa, gọi là Bố Đà Lạc Già. Tên khác là Mai Sầm Sơn. Phổ Đà Sơn nằm trong biển Đông Nam, huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cách núi Chu Sơn 6 dặm (tiếp giáp với Hàng Châu). Truyền kỳ trong Tây Du Ký gọi là Nam Hải.
Ngọn núi dài 12 dặm, rộng 6,5 dặm. Chu vi hơn 40 dặm. Phía đông dẫn đến Nhật Bản, phía bắc tiếp với Đăng Lai, phía nam trông về Mân Việt, phía tây thông với Ngô Hội, cách mực nước biển hơn một ngàn thước, khí hậu ôn hòa, phong cảnh u nhã đặc biệt, là Thánh địa Phật giáo Trung Quốc.
Đây là nơi đầu tiên Quán Thế Âm Bồ Tát phổ độ chúng sinh. Theo truyền thuyết Trung Quốc, Quán Thế Âm Bồ Tát vốn là Diệu Thiện, con gái thứ ba của Sở Trang Vương thời Xuân Thu. Từ nhỏ ăn chay tin Phật, một lòng xuống tóc đi tu. Nhưng bị vua cha kiên quyết bác bỏ rồi giết chết. Diêm Vương lại làm cho nàng sống lại trên một tòa sen trên chiếc hồ cạnh Phổ Đà sơn. Tại đây nàng chọn Phổ Đà làm đạo trạng từ đó phổ độ chúng sinh, hành thiện giúp thiên hạ.
Với những truyền thuyết về Phật giáo Trung Hoa, những cảnh đẹp hùng vĩ. Trên đây là bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo được gợi ý khi bạn đến Trung Quốc.