Nếu bạn muốn làm ăn với các đối tác người Hoa, bạn phải thực sự tôn trọng văn hóa kinh doanh của họ.Vì thế học từ vựng tiếng Trung về kinh doanh và hiểu biết về văn hóa kinh doanh của Người Trung sẽ giúp bạn thành công hơn trong công việc làm ăn với người Trung Quốc. Ví dụ như nếu biết người Trung Quốc rất coi trọng sự đúng giờ. Bạn sẽ không bao giờ đến muộn vì họ sẽ không bao giờ ngồi đó đợi bạn đến. Và dĩ nhiên, dự án kinh doanh của bạn cũng theo đó mà đổ bể.
I. Tìm hiểu văn hóa kinh doanh của người Trung Quốc
Kể từ năm 1978, khi Trung Quốc mở cửa cho đầu tư và thương mại tự do, đất nước này đã có những thay đổi chóng mặt về cả kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều những đặc thù truyền thống trong văn hoá kinh doanh của Trung Quốc, một đất nước với những nghi thức và phép tắc cố hữu được xây dựng trên nền tảng về văn hoá và lịch sử lâu đời.
Hiểu biết về giá trị văn hoá và đạo đức trong kinh doanh là một điều quan trọng khi “bắt tay” với các doanh nhân người Hoa. Đối với người TQ, “Guanxi” theo nghĩa là quan hệ hay mối liên kết có một tầm quan trọng đặc biệt. Thiết lập được một mạng lưới các mối quan hệ giữa các cá nhân và tổ chức là một hoạt động chủ chốt trong chiến lược kinh doanh. Từ nhiều thế kỷ trước, đó là cách duy nhất để mọi thứ xuôi chéo mát mái. Ngày nay, yêu cầu xây dựng mối quan hệ tương trợ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau vẫn mang ý nghĩa sống còn để thành công. Bên cạnh đó, “Mian-zi” với nghĩa là “thể diện”, sự hãnh diện cá nhân là điều luôn được giữ gìn, gắn liền với địa vị xã hội và danh tiếng của mỗi cá nhân.
Trong văn hoá kinh doanh của người Hoa, “giữ thể diện”, “mất thể diện” hay “đem lại thể diện” có một sự tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh. Việc bạn khiến cho ai đó mất thể diện trong tổ chức có thể gây ra sự bất đồng nghiêm trọng. Ngược lại, việc khen ai đó trước mặt các đồng nghiệp khác là một hình thức “đem lại thể diện” và có thể tạo ra sự tôn trọng, sự trung thành của cấp dưới. “Keqi” dựa trên sự kết hợp của hai âm tiết “ke” có nghĩa là khách mời và “qi” là ứng xử cũng là một từ được đặt lên hàng đầu khi thiết lập các mối quan hệ kinh doanh. Thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường thì quan trọng trọng hơn việc bộc lộ khả năng ngay lúc đầu, việc thể hiện bản thân quá sớm với các đối tác TQ dễ bị gây nghi ngờ.
Hiếm người TQ nào đặt quan hệ làm ăn với người mà họ không biết rõ ràng. Do đó, hãy giới thiệu thật kỹ bản thân để tạo niềm tin khi bước đầu bắt tay vào kinh doanh. Thêm vào đó, bạn cũng cần nắm rõ thứ bậc trong tổ chức công ty. Người TQ nhìn nhận mỗi cá nhân là một thành phần trong hệ thống bậc thang của tổ chức. Bạn đừng vào phòng họp trước người có chức danh cao hơn bạn.
Quan hệ lâu dài cũng được xem là có giá trị hơn sự giao dịch, giải quyết công việc nhất thời. Vì thế, đừng vội vã “tấn công”, sự tin cậy là điều cần xây dựng trước và khiêm tốn cộng với kiên nhẫn chính là chìa khoá của thành công. Bạn cũng đừng coi thường những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như trao đổi danh thiếp. Danh thiếp nên được in một mặt bằng tiếng Anh và một mặt bằng tiếng Trung. Khi đưa danh thiếp nên đưa bằng cả hai tay và lật mặt tiếng Trung lên trên. Khi bạn nhận danh thiếp, đừng nhét luôn vào túi mà hãy đọc cẩn thận và đặt thiếp lên trên bàn để thể hiện sự tôn trọng. Nếu viết thông tin về đối tác, bạn cần viết tên gắn liền với chức danh hoặc gọi một cách trân trọng là “ông” hay “bà”.
Đối với người TQ, né tránh giao tiếp bằng mắt cũng bị coi là không đáng tin cậy. Bạn cũng không nên từ chối trực tiếp, sẽ bị coi là ứng xử thiếu lịch sự. Thay vì trả lời “Không” một cách dứt khoát, bạn nên nhẹ nhàng và tế nhị hơn để giữ thể diện cho đối tác. “Có thể” hay “Tôi sẽ suy nghĩ về điều đó” là cách từ chối thường thấy của người Hoa. Nếu bạn muốn làm ăn với các đối tác người Hoa, bạn phải thực sự tôn trọng những phép tắc kinh doanh của họ. Người Trung Quốc (TQ) rất coi trọng sự đúng hẹn. Họ sẽ không bao giờ đợi nếu bạn không đúng giờ.
II. 10 bí quyết trong văn hóa kinh doanh ở Trung Quốc
1. Biết mình, biết người
Có rất nhiều cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc nhưng đừng nghĩ là người tiêu dùng bản địa dễ dãi, chỉ một sự lựa chọn là đủ. Sản phẩm hay dịch vụ của bạn cần phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu và lợi ích của người dân địa phương. Việc dành thời gian tìm hiểu người tiêu dùng trước khi xâm nhập thị trường là rất quan trọng. Ở các quốc gia châu Á, chính quyền rất sẵn lòng tư vấn thị trường miễn phí.
2. Bàn đạp Hồng Kông Cái lợi lớn nhất của việc sử dụng Hồng Kông làm căn cứ để xâm nhập thị trường Trung Quốc là do vùng lãnh thổ này có cơ sở hạ tầng tài chính và pháp luật rất đầy đủ và đáng tin cậy; mức thuế trung bình ở mức thấp (15%); dễ dàng thành lập doanh nghiệp và có thể thuê nhân viên và tư vấn người địa phương có kinh nghiệm, nói tiếng Anh tốt.
3. Học ăn, học nói Cách thức đàm phán kinh doanh của người Mỹ và người Trung Quốc rất khác nhau. Chào bằng tiếng Hoa và trao danh thiếp bằng hai tay thể hiện sự bày tỏ lòng kính trọng và chắc chắn ngay sau đó bạn sẽ nhận được sự tôn kính từ họ.
4. “Người thứ ba” Nên biết rằng quan hệ marketing quốc tế tại Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung chỉ hiệu quả khi bạn xây dựng quan hệ và làm việc trực tiếp với đội ngũ nhân viên người bản địa. Hãy sử dụng “trung gian” bởi đó là điều không thể thiếu khi làm việc với người Trung Quốc, thậm chí ngay cả sau khi bạn đã từng gặp gỡ đối tác.
5. Có đi, có lại Các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh xâm nhập thị trường nước ngoài. Nếu bạn ra tay giúp thì khi cần họ sẽ đáp lại nhiệt tình hơn.
6. Biết “lì xì” Khi ai đó giới thiệu bạn với đối tác, hãy “cám ơn” họ, và nếu có thể nên kín đáo gửi họ một khoản tiền nhỏ. Người Trung Quốc có thể xua tay nói không, nhưng bạn đừng thấy thế mà “đóng hầu bao lại”. Người Trung Quốckhông nói thẳng như người Mỹ, họ nói thế nhưng không hoàn toàn là thế!
7. Nói đi đôi với làm Bạn cần biết kiên trì và nhẫn nại thì mới có nhiều khả năng giành thắng lợi. Mặc dù người Trung Quốc có thể không phản ứng khi bạn tiếp xúc với họ hoặc làm như họ không quan tâm tới những gì bạn chào mời, song nên nhớ rằng, những hành động nỗ lực thu hút họ chú ý quan trọng hơn rất nhiều những lời mời chào “suông” của bạn.
8. Đừng tiếc thời gian nhậu Gặp gỡ đối tác trong bữa trưa hay bữa tối là cơ hội để bạn thấy đừng quá vội vàng mà cần phải chậm bước khi kinh doanh tại Trung Quốc. Các bữa ăn tại Trung Quốc thường kéo dài hơn thời gian bạn nghĩ. Hãy kiên nhẫn và linh hoạt. Khoảng thời gian giao tiếp trên bàn ăn chính là sự đầu tư cho hoạt động kinh doanh trong tương lai của bạn ở xứ sở này.
9. Không phát ngôn bừa bãi Nhã nhặn và chín chắn là hai điều rất quan trọng. Không người Trung Quốc nào muốn làm ăn, kể cả trên mạng hoặc trên thực tế, với những người không tôn trọng cách sống và cách kinh doanh của họ. Hãy thận trọng khi đưa ra những lời bình luận về chính trị. Người Trung Quốc không muốn bày tỏ ý kiến với bạn về những gì họ nghĩ về chính sách của Chính phủ, trừ khi bạn cực kỳ thân thiết với họ.
10. Chiến thuật số đông Để có được sự hiện diện và mang lại lợi nhuận cho bạn tại Trung Quốc đòi hỏi phải có những sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Và tốt nhất là nên cố gắng khơi gợi người tiêu dùng ham muốn sử dụng sản phẩm của bạn.
III.Thương lượng, đàm phán với người Trung Quốc nhưthế nào?
– Thời gian thuận lợi nhất để đến Trung Quốc bàn bạc công việc làm ăn là từ tháng 4 đến tháng 6, và từ tháng 9 đến tháng 10. Đừng đến vào dịp Tết Nguyên Đán (các hoạt động ở Trung Quốc ngưng trệ nhiều tuần vào dịp này).
– Hãy chuẩn bị tư thế để được giới thiệu đi gặp hết cấp này đến cấp nọ khi thăm viếng thương lượng làm ăn tại đây.
– Doanh nhân Trung Quốc có rất nhiều “kế sách” trong thương thuyết (có lẽ tiếp thu từ các thuyết khách trong lịch sử) cho nên họ thường kéo dài các cuộc thương lượng để đạt được nhiều ưu thế hơn nữa. Nhiều khi họ yêu cầu tái thương lượng sát ngay ngày bạn chuẩn bị bay về…
– Đừng bao giờ nói quá về khả năng thật của mình, vì văn hóa Trung Hoa xem khiêm cung là một loại đức hạnh.
– Doanh nhân Trung Quốc hiện vẫn còn giữ thói quen xem ngày lành tháng tốt trước khi ra quyết định hay ký kết, nên đừng ngạc nhiên nếu như mọi việc dù đã sắp xếp xong nhưng việc ký lại được dời qua một ngày khác.
– Cẩn thận với hệ thống đo lường. Dù hiện đã phổ biến các đơn vị đo lường quốc tế nhưng trong một số mặt hàng truyền thống hoặc do thói quen họ vẫn nghĩ và tính theo đơn vị đo lường truyền thống như: lạng, cân, bộ…
– Nhớ dùng danh thiếp có in chữ Hoa trên mặt kia. Tiếng Anh chỉ phổ biến chừng mực ở Trung Quốc. Mặt chữ Hoa nếu in bằng mực có nhũ vàng là tốt nhất.
– Cần biết ít nhiều lịch sử và văn hóa Trung Hoa khi đến đây làm ăn. Người Trung Quốc rất thích những người khách yêu mến lịch sử và văn hóa đất nước họ. – Cần kiên nhẫn, việc trễ nãi ở đây là thường xuyên, phải giấu các biểu lộ tình cảm, đừng thúc hối quá về thời hạn cuối cùng mà công việc phải dứt điểm.
– Khi được mời tiệc, nhớ ăn rất ít các món dọn lên đầu tiên, bởi một bữa ăn có thể có đến hai chục món.
– Khi chỉ một vật gì hoặc giới thiệu một ai đó, hãy xòe cả bàn tay hướng về người hay vật đó, đừng chỉ bằng một ngón tay.
– Khi kết thúc cuộc họp, hãy chào và ra về trước đoàn đối tác.