Thành ngữ là một loại ngạn ngữ truyền thống của Trung Quốc, thường do 4 chữ Hán tạo thành. Thành ngữ được sử dụng phổ biến trong tiếng Trung Quốc cổ đại và cũng rất thịnh hành xã hội Trung Quốc ngày nay. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thành ngữ tiếng Trung: 蓝田生玉 – Lam Điền sinh ngọc nhé!
Tìm hiểu thành ngữ tiếng Trung: 蓝田生玉 – Lam Điền sinh ngọc
Nguồn gốc thành ngữ:
Thành ngữ 蓝田生玉 – Lam điền sinh ngọc xuất phát từ Tam quốc chí – Ngô thư 三国志 – 吴书. Gia Cát Khác truyện 诸葛恪传 của một Sử gia thời Tam quốc: Trần Thọ – 陈寿.
Câu chuyện về thành ngữ:
Gia Cát Cẩn (诸葛瑾) là một đại tướng quân nhà Đông Ngô thời kì Tam Quốc, tên tự là Tử Du (子瑜). Ông có một đứa con trai tên là Gia Cát Khác (诸葛恪). Từ nhỏ, Gia Cát Khác đã thông minh lanh lợi, có tài hùng biện, vô cùng khéo ăn khéo nói. Tôn Quyền (孙权) vô cùng yêu quý đứa trẻ này.
Có một lần, Tôn Quyền đãi yến quần thần. Gia Cát Khác lúc ấy 6 tuổi cũng tham dự cùng cha. Mặt Gia Cát Cẩn rất dài, Tôn Quyền có ý muốn trêu chọc. Thừa dịp đang men rượu, ông liền sai người dắt một con lừa đến. Sau đó viết 4 chữ “Gia Cát Tử Du” (诸葛子瑜) lên mặt của con lừa, cốt là để chế diễu gương mặt của Gia Cát Cẩn dài giống lừa. Mọi người nhìn thấy đều phá lên cười, đến Gia Cát Cẩn cũng cảm thấy xấu hổ.
Câu chuyện về thành ngữ:
Gia Cát Khác nhìn thấy xong thì bước đến trước chỗ ngồi của Tôn Quyền, xin được viết thêm hai chữ. Tôn Quyền sai người mang bút đến cho y. Gia Cát Khác viết thêm hai chữ “chi lư” (之驴 – lừa của) phía sau chữ Gia Cát Tử Du. Như thế cả câu trở thành “lừa của Gia Cát Tử Du”. Các đại thần trong triều đều trầm trồ kinh ngạc. Tôn Quyền thấy Gia Cát Khác nhanh nhạy như thế thì vô cùng cao hứng rồi đem con lừa thưởng luôn cho y.
Lại thêm một lần khác, Tôn Quyền hỏi Gia Cát Khác: “Giữa cha ngươi và thúc phụ Gia Cát Lượng thì ai tài giỏi hơn?”. Gia Cát Khác đáp: “Cha tôi tài giỏi hơn”
Tôn Quyền hỏi lí do, Gia Cát Khác không chút do dự trả lời: “Cha ta biết phụng sự minh quân, nhưng thúc phụ ta thì lại không hiểu rõ đạo lí này. Nên đương nhiên cha ta tài giỏi hơn”(*)
Tôn Quyền nói với Gia Cát Khác rằng: “Mọi người đều nói Lam Điền sinh ngọc đẹp, hiền lương xuất danh môn. Đúng là danh bất hư truyền!”
Chú thích và ngụ ý:
- (*):Giữa giai đoạn thời kỳ Tam Quốc (từ năm 220 đến năm 263), ba nước thù địch là Tào Ngụy (曹魏) – Tào Tháo, Thục Hán (蜀漢) – Lưu Bị, Đông Ngô (東吳) – Tôn Quyền, liên tiếp nổ ra các cuộc giao tranh quân sự và ngoại giao. Trong đó người phụng sự cho Tôn quyền là Gia Cát Cẩn (tức cha của Gia Cát Khác). Còn Gia Cát Lượng làm việc dưới quyền của Lưu Bị (tức thúc phụ của Gia Cát Khác)
- Lam Điền là một ngọn núi thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Được biết một trong tứ đại danh ngọc được xuất hiện tại đây. Người ta gọi ngọc này là Ngọc Lam Điền
- Trong câu chuyện, Tôn Quyền đã dùng “Lam Điền sinh ngọc đẹp” và “hiền lương xuất danh môn” để ca ngợi sự thông minh và tài trí của Gia Cát Khác. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, chỉ có tạo cho trẻ một môi trường sống và học tập tốt thì trẻ mới có thể lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và thành tài.
Hy vọng qua bài học tìm hiểu thành ngữ tiếng Trung: 蓝田生玉 – Lam Điền sinh ngọc các bạn có thể hiểu thêm về cách sử dụng thành ngữ trong tiếng Trung giao tiếp.