Hôm nay, là mùng 5 tháng 5 cũng chính là ngày Tết Đoan Ngọ. Chắc hẳn các bạn đã nghe qua ngày tết này ở Việt Nam. Nhưng cũng chắc có nhiều bạn chưa biết về Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc cũng được xem là một ngày lễ tết lớn. Chính vì như thế, NewSky hôm nay sẽ giới thiệu đến các bạn ngày Tết Đoan Ngọ của Trung Quốc. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1. Khái niệm về Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Là một ngày Tết truyền thống tại một số nước phương Đông như Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam.
Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa ( Đoan: mở đầu, ngọ: giữa trưa). Còn Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Ở Việt Nam, dịp tết này còn được người dân gọi bằng cái tên khác là “Tết giết sâu bọ”. Còn ở Trung Quốc, thời Nam Bắc triều Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Dục Lan tiết.
2. Nguồn gốc tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc
Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc gắn liền với sự tích về Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở, chuyên trách bày mưu hiến kế cho vua. Nhưng chủ trương của ông lại vấp phải sự phản đối của những quan lại thuộc phái bảo thủ. Những quan lại đó thường xuyên nói xấu Khuất Nguyên trước mặt vua Sở và bày mưu tính kế hãm hại ông. Dần dần ông không được sự trọng dụng của vua.
Khuất Nguyên là người yêu nước thương dân luôn muốn cứu nước cứu dân nhưng lại bị những kẻ gian thần bài xích, bị vua nghi ngờ. Với sự căm phẫn không kiềm chế được, ông đã viết nhiều bài thơ bày tỏ hoài bão đóng góp cho đất nước. Sau này, trong một lần can ngăn nhà vua không thành, lại bị gian thần hãm hại, ông đã bị vua đày ra Giang Nam.
Không lâu sau đó, ông nghe tin đô thành nước Sở bị đánh chiếm, nước Sở bị tiêu diệt. Ông hết sức căm phẫn cùng với sự uất ức và ông đã gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào mùng 5/5 âm lịch. Người dân thương tiếc cho cái chết bi ai và sự trung nghĩa của ông. Để tưởng nhớ ông nên mỗi năm vào ngày này mọi người đều dùng mái chèo tạo sóng ở trên sông để đuổi cá đi. Và cho cá ăn bánh tro để cá không ăn thi thể của Khuất Nguyên.
3. Các hoạt động trong ngày tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc
-
Đua thuyền rồng
Đua thuyền rồng là một hoạt động náo nhiệt nhất không thể thiếu đối với người Trung Quốc trong ngày tết Đoan Ngọ. Đây cũng chính là hoạt động liên quan đến Khuất Nguyên. Tương truyền, khi nhận được tin ông tự vẫn. Người dân đã ngay lập tức tổ chức đội chèo thuyền ra sông để cứu ông nhưng không thành. Từ đó, mỗi năm người dân lại tổ chức lễ hội đua thuyền rồng vào ngày tết Đoan Ngọ để tưởng nhớ ông.
-
Ăn bánh ú
Tương truyền, sau khi Khuất Nguyên tự vẫn, người dân yêu mến ông sợ cá tôm rỉa xác của ông nên đã dùng nếp và lá để gói thành bánh đem thả xuống sông. Làm như vậy là để bảo vệ thân xác của ông. Từ đó, xuất hiện tập tục ăn bánh ú trong ngày tết này.
-
Uống rượu Hùng Hoàng
Uống rượu là một hình thức không thể thiếu trong ngày lễ tết của Trung Quốc. Nhưng rượu Hùng Hoàng là thức uống nhiều người sử dụng trong dịp tết Đoan Ngọ. “Hùng hoàng” là một vị thuốc có thể tiêu độc, giết sâu bọ và được dùng với liều lượng thích hợp để pha rượu ống. Rượu được lên men lúa mạch cùng hùng hoàng, một khoáng vật màu vàng. Ngoài ra, rượu này còn được dùng để xức lên mặt, lòng bàn tay của trẻ em hoặc rưới lên các góc tường để trừ sâu độc.
-
Đeo túi thơm
Túi thơm còn được gọi là túi ngũ sắc, là loại túi hình quả cầu hay hình chú cọp. Được may bằng vải và chỉ ngũ sắc, bên trong đựng các loại hương liệu dùng để đuổi rắn rết, sâu bọ làm hại trẻ em. Người Trung Quốc quan niệm đeo túi thơm vào dịp Tết Đoan Ngọ có thể chống bệnh tật và xua đuổi tà ma.
-
Treo lá ngải, xương bồ
Theo quan niệm của người Trung Quốc, việc treo lá ngải, xương bồ trên cửa nhà sẽ giúp đuổi tà ma, xua đuổi các loại sâu bọ có hại bay vào nhà.
>> Xem thêm: Top 10 ngày Lễ lớn tại Trung Quốc.