Từ thời cổ đại, người Trung Hoa đã áp dụng thuyết âm dương ngũ hành trong nhiều lĩnh vực đời sống. Ẩm thực cũng chính là lĩnh vực được người Hoa chú trọng nhất. Hôm nay webtiengtrung sẽ nói đôi nét về Âm dương ngũ hành trong ẩm thực Trung Hoa.
Sơ lược về triết lý Âm – Dương.
Triết lý âm – dương (Yin – Yang) là trung tâm của nền văn hóa Trung Hoa. Nó đóng một vai trò quan trọng về tất cả mọi mặt trong đời sống. Các triết gia cổ đại dùng tư tưởng triết học âm dương ngũ hành để giải thích tất cả những học thuyết trong cuộc sống tự nhiên. Triết lý âm – dương có hai mặt đối lập và tương hỗ lẫn nhau.
Thuyết này cho rằng tất cả mọi thứ đều có hai mặt đối lập âm và dương. Người Hoa dùng triết lý âm dương để giải thích những hiện tượng trong tự nhiên.
Chẳng hạn như bầu trời là dương, mặt đất là âm, mặt trời là dương, mặt trăng là âm. “Sự đối lập và thống nhất của âm và dương chính là nguồn gốc của sự phát triển vạn vật. Tất cả những gì có thuộc tính phát triển, sinh sôi, mạnh mẽ, hướng ngoại thì là dương. Ngược lại, tất cả những vật có tính năng tĩnh, lạnh, ức chế, ngưng tụ và hướng nội thì thuộc âm”.
Đôi nét về thuyết Âm dương – Ngũ hành.
“Ngũ hành” chính là nhận thức của người Trung Quốc cổ đại. Thuyết nói về năm yếu tố cơ bản hình thành những quy luật trong vụ trụ. Trong văn hóa ẩm thực truyền thống của Trung Hoa, triết lý âm dương ngũ hành được xem là nền tảng của vạn vật.
Sách có câu “Vạn vật trong tự nhiên, có sự điều hòa âm dương, thì là quân bình”. Con người chính là một trong “Tam tài”. Nếu như con người không có sự cân bằng về âm dương, tất sẽ sinh bệnh.
Trong quyển “Hoàng đế nội kinh tố vấn, âm dương ứng tượng đại luận” có nói: “Dương thắng tắc âm bệnh, âm thắng tắc dương bệnh. Dương thắng tắc nhiệt, âm thắng tắc hàn. Trọng hàn tắc nhiệt, trọng nhiệt tắc hàn”. Có nghĩa là trong cơ thể con người nếu dương khí quá mạnh thì âm khí sẽ yếu. Ngược lại nếu âm khí quá mạnh thì dương khí cũng yếu.
Dương khí mạnh sẽ sinh bệnh về nhiệt. Âm khí mạnh sẽ sinh chứng bệnh về hàn. Hàn đến cực điểm sẽ sinh bệnh về nội nhiệt. Nhiệt đến cực điểm cũng sinh chứng nội hàn.
Âm dương không hẳn là luôn luôn đối lập lẫn nhau mà cũng có khi hỗ trợ lẫn nhau. Hoạt động cơ năng của cơ thể con người (dương) phải cần đến các chất dinh dưỡng (âm) để hỗ trợ cho sự hoạt động. Nhưng mặt khác, các hoạt động cơ năng cũng sản xuất ra các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để duy trì sự sống. Khi âm dương mất đi sự cân bằng, lập tức sẽ sinh ra bệnh tật.
Ngũ hành trong ẩm thực Trung Hoa.
Ẩm thực là hoạt động không thể thiếu để duy trì sự sống cho con người. Vì vậy chế độ ăn uống cũng phải tuân theo triết lý “âm dương ngũ hành”. Thuốc và thực phẩm cùng có nguồn gốc từ “ngũ khí” và “ngũ vị”. Hàng ngày con người hấp thụ “ngũ vị” chính là để thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình. Nhưng cũng đồng thời là để dung hòa sự cân bằng âm dương, thuận theo triết lý “âm dương ngũ hành”. Mục đích là để cân bằng âm dương trong ngũ tạng của cơ thể con người.
Chính vì thế, trong cuộc sống hàng ngày, người Trung Quốc luôn tuân theo triết lý “âm dương ngũ hành”. Họ áp dụng trong việc phân chia thực phẩm thành hai loại là âm và dương để định vị chức năng sử dụng của thực phẩm.
Tất cả các loại nguyên liệu thực phẩm có chức năng điều hòa sự cân bằng âm dương trong cơ thể. Nó được chia thành “nhiệt, ôn, lương, hàn”. Nhiều loại thảo dược Trung Quốc cũng được xếp vào bốn loại thuộc tính như chức năng của các loại thực phẩm này.
Mặt đỏ miệng khô nóng là chứng “thượng hỏa” (bốc hỏa, nóng). Cần ăn thực phẩm có tính “hàn” như dưa hấu để giải nhiệt. Ngược lại, nếu ăn những thực phẩm có tính “nóng” như ớt thì sẽ làm cho bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Triết lý “âm dương ngũ hành” nhấn mạnh việc nắm bắt kết cấu của quy luật hòa hợp nội tại trong vũ trụ. Triết lý nhấn mạnh sự thống nhất và tương đồng giữa con người và thiên nhiên. Vì vậy, triết lý “âm dương ngũ hành” có vai trò quyết định trong việc xây dựng lên kết cấu “ngũ vị” trong ẩm thực. Từ góc độ của triết học đã xây dựng lên cơ sở lý luận của triết lý “hòa hợp” trong văn hóa ẩm thực.
>> Xem thêm: 7 cách nhìn người của Gia Cát Lượng.